http://vn.news.yahoo.com/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nh%E1%BA%B7t-r%C3%A1c-kh%C3%B4ng-m%C3%A0ng-45-tri%E1%BB%87u-%C4%91%E1%BB%93ng-050100439.htmlTừ ngày ông Cho nhặt được bọc tiền gói trong túi nilon mang lên
giao cho công an, ai cũng bảo ông dại. Còn ông lão làm nghề nhặt rác này lại
thấy mừng vì số tiền kia đã về với chủ.Không kể nắng mưa, ngày nào ông Trần Văn Cho, tổ 28 phường Thuận Phước (Hải Châu,
TP Đà Nẵng) cũng đi lượm rác từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà.
Một buổi chiều tháng 10, đang đi trên đường Lê Đình Lý, thấy bọc nilon, nhặt
lên phát hiện bên trong có tiền, ông Cho chẳng mở ra xem mà đem thẳng đến công
an phường Nam Dương, quận Hải Châu, nhờ trả lại cho người mất. Về nhà ông im
lặng không kể cho ai, kể cả mẹ và em gái.
Đến khi có người đọc được mẩu tin ngắn trên báo viết về việc làm của ông Cho,
người dân mới xì xào bàn tán. Nhiều người bình phẩm chẳng ai dại như ông đi chê
“lộc trời” trong khi nhà đang phải chạy ăn từng bữa. Nhưng ông chẳng để ý, ngày
ngày kiên trì với công việc nhặt rác. Ngay cả khi mẹ và em gái hỏi, ông chỉ
cười bảo: “Người ta mất của tội lắm, mình sao có thể sống bằng số tiền đó”.
Bà Trần Thị Liên, em gái ông Cho kể lại: “10 hôm sau kể từ ngày anh Cho nhặt
được tiền, anh mang về 1,5 triệu cùng 10 kg gạo, dầu ăn… Hỏi thì anh bảo người
bị mất tiền hôm trước sau khi nhận lại tiền tình cờ gặp anh đi lượm rác ngoài
đường, họ đã biếu. Nhà tôi ai cũng vui”.
|
Ông Cho bận rộn với công việc nhặt rác để mưu sinh và phụ giúp mẹ già chữa bệnh. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Bước sang tuổi 61, ông Cho thường xuyên đau ốm. Ông kể, nhà quá nghèo nên thời
trai trẻ ông không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì sợ sẽ không lo được hạnh
phúc cho vợ con. Đến khi đã lớn tuổi, cái nghèo vẫn đeo bám mãi, ông Cho đành ở
vậy.
Ông Cho làm nghề đạp xe thồ, ai thuê gì chở nấy để có tiền phụ giúp mẹ già
bị bệnh tim thường xuyên phải vào cấp cứu. Không đủ tiền mua đất xây nhà, ông
Cho cùng mẹ và em gái phải thuê nhà ở trọ, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Mới đây,
Bộ đội biên phòng thành phố giúp đỡ gia đình cất được căn nhà.
Một lần đang đạp xe thồ chở hàng cho khách, ông Cho bị tai nạn giao thông
phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Khi chụp X-quang, các bác sĩ mới
phát hiện trong đầu ông còn nhiều mảnh đạn nhỏ. “Năm 1968 tôi bị bắt đi lính
Việt Nam Cộng hòa, rồi bị thương trong một trận chiến nhưng ngày đó chỉ được
băng bó tạm thời nên giờ tuổi cao, sức yếu chân tay thường xuyên bị bủn rủn. Các
bác sĩ bảo nếu không chữa trị kịp thời tôi sẽ bị liệt nhưng vì nhà không có
tiền nên đành chịu vậy”, ông Cho kể.
Sau tai nạn, không đủ sức đạp xe thồ, ông Cho sống bằng nghề nhặt rác. Hằng ngày,
ông lặng lẽ cùng những vòng xe dạo khắp các ngõ hẻm nhặt rác kiếm 40-50 chục
nghìn. Và mỗi ngày, ông lại chọn một niềm vui trong cuộc sống như giúp đỡ em bé
đi qua đường, chở một cụ già đi trên đường không lấy tiền công, hay như chuyện
trả lại cả cục tiền vô tình lượm được…
Trung tá Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng công an phường Nam Dương, cho biết cơ quan đã
tiếp nhận số tiền 45 triệu đồng còn bọc nguyên trong túi nilon từ ông Cho nhờ
trả lại cho người bị mất. Sau đó công an đã thông báo và trả lại số tiền này
cho chủ nhân là chị Phạm Thị Thanh Hải (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê).
“Dù làm nghề nhặt rác, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn nhưng ông Cho đã
không màng đến của rơi. Nghĩa cử của ông thật là đáng quý”, trung tá Tiến nói.
Với nghĩa cử này, Công an quận Hải Châu đã trao bằng khen cùng số tiền thưởng 2
triệu đồng cho ông Cho.
Nói về việc làm của mình, ông Cho chỉ cười giản dị: “Việc làm của tôi cũng không
có gì to tát đâu. Khi mất của thì ai chẳng thấy xót, muốn tìm lại cho kỳ được.
Bởi thế nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất là việc nên làm".
Nguyễn Đông